1. Giấy phép lái xe là gì?

Giấy phép lái xe (còn gọi là bằng lái) là một loại giấy phép/chứng chỉ mà người điều khiển các phương tiện giao thông được cấp bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có bằng lái có nghĩa là được phép vận hành các loại xe máy, xe hơi, xe tải, xe khách,… tham gia giao thông công cộng tại một quốc gia cụ thể.

Muốn có được giấy phép lái xe, người sử dụng xe phải làm các thủ tục xin cấp phép và tiến hành bài kiểm tra/thi sát hạch lái xe để được chứng nhận về khả năng lái xe. Sau khi được cấp phép, người thi mới có quyền hợp pháp để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Để đủ điều kiện xin cấp giấy phép, người muốn đăng ký phải đảm bảo đủ điều kiện về độ tuổi, yêu cầu sức khỏe và các quy định đặc biệt khác của nhà nước.

Trong trường hợp cảnh sát giao thông  (CSGT) yêu cầu xuất trình giấy phép khi kiểm tra mà người điều khiển phương tiện giao thông không có thì phải chịu các hình thức xử phạt khác nhau, đa phần là phạt hành chính, nếu kèm theo các vi phạm khác thì có thể tước giấy phép lái xe tạm thời hoặc giữ phương tiện.

banglaixe

2. Các loại giấy phép lái xe

Căn cứ vào quy định của Luật Giao thông đường bộ và Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT quy định về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, giấy phép lái xe tại Việt Nam được phân ra 10 hạng sau đây:

  1. Hạng A1: Cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cc đến 175cc và người khuyết tật để điều khiển mô tô ba bánh dành cho người khuyết tật
  2. Hạng A2: Cấp cho người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cc trở lên và cả các loại xe đã quy định trong giấy phép lái xe hạng A1
  3. Hạng A3: Cấp cho người điều khiển mô tô ba bánh, bao gồm cả xe lam ba bánh, xe xích lô gắn máy cùng các loại xe đã quy định trong giấp phép lái xe A1
  4. Hạng A4: Cấp cho người điều khiển các loại máy kéo có trọng tải đến 1000 kg
  5. Hạng B1: Cấp cho người điều khiển (nhưng không phải trong trường hợp hành nghề) các loại xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi (tính cả chỗ ngồi cho người lái), ô tô tải chuyên dụng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg, máy kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế dưới 3500kg
  6. Hạng B2: Cấp cho người hành nghề lái xe điều khiển các loại xe ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg và các loại xe đã được quy định trong giấy phép lái xe hạng B1
  7. Hạng C: Cấp cho người điều khiển các loại xe ô tô tải (cả ô tô tải chuyên dùng), ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên, máy kéo một rơ moóc có trọng tải thiết kế từ 3500 kg trở lên và các loại xe đã được quy định trong giấy phép lái xe hạng B1, B2
  8. Hạng D: Cấp cho người điều khiển các loại ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi (tính cả chỗ ngồi của lái xe) cùng các loại xe đã được quy định trong giấy phép lái xe hạng B1, B2 và C
  9. Hạng E: Cấp cho người điều khiển các loại ô tô chở người trên 30 chỗ ngồicùng các loại xe đã được quy định trong giấy phép lái xe hạng B1, B2, C và D
  10. Hạng F: Cấp cho người đã có giấy phép lái xe hạng B2, C, D và E để điều khiển các loại xe tương ứng có thể kéo rơ-mooc có trọng tải thiết kế lớn hơn 750kg, sơ mi rơ-mooc, ô tô nối toa

Những người có giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D và E khi điều khiển các loại xe tướng ứng có thể kéo thêm một rơ-mooc có trọng tải thiết kế không quá 750 kg.

3. Thời hạn của giấy phép lái xe

  • Hạng A1, A2, A3: Không thời hạn
  • Hạng A4, B1, B2: Thời hạn 10 năm kể từ ngày cấp
  • Hạng C, D, E, F: Thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp

4. Điều kiện đối với người xin cấp giấy phép lái xe

  • Là công dân Việt Nam, người nước ngoài được phép cư trú hoặc đang làm việc, học tập tại Việt Nam
  • Đủ sức khỏe, trình độ văn hóa
  • Đủ tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe):

– Đủ 16 tuổi trở lên đối với người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc

– Đủ 18 trở lên đối với giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2

– Đủ 21 tuổi trở lên đối với giấy phép lái xe hạng C

– Đủ 24 tuổi trở lên đối với giấy phép lái xe hạng D, F (điều khiển ô tô tải, máy kéo có trọng tải kéo rơ-mooc FC)

– Đủ 28 tuổi trở lên đối với giấy phép lái xe hạng E (điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi)

– Tuổi tối đa cho người điều khiển ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 đối với nữ và 55 đối với nam

  • Những người muốn nâng hạng giấy phép lái xe phải có đủ thời gian hành nghề và số km lái xe an toàn

– Học B1 lên B2: Thời gian hành nghề 1 năm trở lên và 12 000 km lái xe an toàn trở lên

– B2 lên C, C lên D, D lên E: thời gian hành nghề 3 năm trở lên và 50 000 km lái xe an toàn trở lên

– B2 lên D, C lên E: thời gian hành nghề 5 năm trở lên và 100 000 km lái xe an toàn trở lên

– C lên FC: thời gian hành nghề 1 năm trở lên và 50 000 km lái xe an toàn trở lên. Đủ 24 tuổi trở lên.

– Người học để nâng hạng giấy phép lên D phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc tương đương trở lên

– Người học để nâng hạng giấy phép lên E phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên