Kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn cần phải biết
Cập nhật: 13.12.2016 10:41

KINH NGHIỆM LÁI XE Ô TÔ AN TOÀN

1. Lái xe theo kiểu phòng thủ - khái niệm đầu tiên và quan trọng nhất (defensive driving)

Lái xe phòng thủ đơn giản chỉ là "làm sao để khi những người xung quanh mình làm điều gì đó bất ngờ và ngu ngốc, thì mình đã chuẩn bị sẵn để tránh né và ngăn ngừa được tai nạn xảy ra"

Người chạy xe máy có thể bất chợt quay đầu. Xe tải mình đang vượt có thể bất thần lấn trái để né một ai đó. Người đi bộ có thể bất chợt nhảy ra từ phía con lươn thiếu quan sát. Một xe ô tô đâm sầm từ đường nhánh đi ra. Một chiếc xe máy không đèn lao xéo trên đường trong đêm...

Những trường hợp trên, nếu ta chủ động phòng tránh thì dù lỗi là ở người khác, thì tai nạn vẫn không xảy ra. Chủ động phòng tránh tức là chạy chậm lại khi thấy có khả năng bất trắc, hoặc chạy cách xa họ ra, và không len vào những vị trí quá chật khiến cho mình không thể né tránh khi việc bất ngờ xảy ra.

Nhiều bác có tâm lý tôi đi đúng luật đúng tốc độ. Những kẻ sai thì phải được dạy cho bài học. Tâm lý đó theo em không hợp lý vì ở một đất nước ý thức giao thông kém như nước mình thì không thể trông chờ ở sự tuân thủ luật của những người xung quanh. Tốt nhất ta cứ nhường nhịn, phòng tránh vì an toàn của ta và của họ vì nếu họ bị nạn ta cũng vạ lây dù ta đúng hay sai.

2. Lái xe trong thành phố đông đúc: thái độ, thái độ và thái độ - Kinh nghiệm lái xe ô tô

Khác với lái xe đường trường, nơi mà cái chết và sự sống tương đối mong manh nếu không cẩn thận, lái xe trong thành phố đông đúc ít nguy hiểm hơn. Theo em, điều cần bàn nhất của lái xe trong thành phố là vấn đề thái độ hơn là vấn đề an toàn. Thái độ tốt giúp cho việc chạy xe thoải mái hơn đỡ nhức đầu và cũng giúp cho mọi người ít tranh giành nhau hơn để đường xá thông thoáng hơn.

3. Vượt và để người khác vượt

Khi vượt một xe 4 bánh khác, các bác nhớ liếc nhanh kính chiếu hậu để biết xem có xe nào phía sau mình cũng đang cố vượt mình hay không. Chứ nếu mình đánh lái qua trái mà gặp nó đang vượt (ẩu) mình thì mình tiêu!

Trước khi vượt, ban ngày thì bấm kèn 1 hoặc 2 phát. Ban đêm thì nhá đèn 2 phát.

Khi xe sau muốn vượt, các bác hãy xi nhan phải và không đạp chân ga nữa hoặc nhấp thắng nhẹ. Nếu bên phải không có chướng ngại vật thì lách nhẹ qua phải tí để nhường cho người ta vượt.

Đừng trẻ trâu ép trái hay tăng ga khi người khác muốn vượt. Như vậy là ép người ta vào chỗ chết, gây mất an toàn và có thể nói ở một mức độ nào đó, sự vô văn hoá trong giao thông.

Kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn
kinh nghiem lai xe oto

4. Tăng tốc và giảm tốc

Khi nào thì tăng tốc? Tăng tốc khi các bác thấy trước mặt vắng người ít dân cư. Bên trái các bác hoặc không có con lươn hoặc có nhưng có thể nhìn rõ có là không có bóng ma (người) nào núp trong con lươn. Bên phải các bác lề đường tầm nhìn thoáng không bị cây cối nhà cửa che khuất. Lúc đó là lúc để tăng tốc, chứ cứ cẩn thận mãi, chậm mãi thì biết khi nào mới về được tới nhà? Theo em, tầm nhìn thoáng thì nếu xe các bác cảm giác lái tốt và đầm chắc, chạy lố tốc độ tối đa từ 5 tới 10kmh không phải là tội ác gì quá to lớn.

Khi nào thì chậm lại? Khi nào thấy khu vực xung quanh đông dân. Không cần phải có bảng báo hiệu khu đông dân cư, các bác vẫn cần đi chậm lại. Khu đông dân cư rắc rối lắm các bác ạ, xe máy bẻ lái tứ tung, người dân băng đường, con chó phát hiện cục xương, em bé lượm trái banh v.v... Đừng cứ lý luận đây không phải khu đông dân cư vì không có biển báo, tông phải ai đó rồi thì sự phiền phức và trả giá sẽ lớn hơn nhiều so với cái 5 hay 10kmh nhanh hơn đó.

5. Đừng chạy nhanh về phía đèn sắp đỏ - Kinh nghiệm lái xe an toàn

Nhất là khi xe từ đường giao cắt, đèn đỏ còn 2-3 giây mới xanh đã chậm chực muốn vọt đi.

Bởi vậy theo em, thấy không còn đủ thời gian để vượt qua giao lộ với tốc độ bình thường thì từ xa cứ rà thắng, chờ thêm 30-50 giây trong máy lạnh chả chết ai. Chứ tăng tốc lên để vượt qua có khi có đứa chết.

6. Không vào giao lộ nếu phía trước giao lộ không còn chỗ để đi

Em thấy nhiều bác tài cứ bon chen mà không biết suy nghĩ. Biết là đèn xanh các bác có quyền đi, nhưng bên kia giao lộ chật ních rồi. Nếu các bác tiếp tục chạy tới thì các bác sẽ phải dừng giữa giao lộ. Tới khi người khác từ đường cắt ngang chạy tới thì các bác lại ngáng đường ngáng lối người ta. Có khi chính các bác là kẻ đầu têu một vụ kẹt xe hoành tráng. Tại sao vậy?
Theo em, các bác cứ dừng chờ, mặc cho đèn xanh cứ xanh. Thằng xe sau bấm còi kệ nó, chả lẽ nó dám bước ra khỏi xe nào tới quýnh các bác được à? Đây là hành động văn minh, có trách nhiệm, biết suy nghĩ cho lợi ích chung.

7. Gặp chỗ quay đầu, hay nơi con lươn bị đứt

Khi tới khúc đứt này có nhiều khả năng nguy hiểm xảy ra. Hoặc người từ phía con lươn băng phải hoặc người chiều đối diện quay đầu hoặc xe máy cùng chiều băng trái ra giữa đường.
Tình huống nào cũng chết chóc. Vì vậy nếu thấy đông vui thì các bác cứ đạp thắng để đi chậm qua khỏi khúc đó. Nếu không có ai cả trái lẫn phải thì không cần đạp thắng chỉ cần thả chân ga ra, liếc kiếng hậu rồi lấn phải đôi chút. Vì đôi khi có những bóng ma núp sau con lươn âm thầm mai phục ta...

8. Chạy đường trời mưa hay đường ướt

Đường mưa thì phải giảm tốc, ít nhất 10kmh ít hơn so với tốc độ tối đa. Vì nếu không giảm tốc, khi gặp sự cố bất ngờ, cần đánh lái tránh hay thắng gấp, xe chạy quá nhanh sẽ trượt nước. Một khi trượt nước rồi xe sẽ không điều khiển được nữa nó sẽ lướt đi đâu nó lướt. Lúc đó thì các bác xác định rồi nhé...

Thường thì cao tốc trời mưa hay đường ướt em chạy 80, quốc lộ tối đa 60, tỉnh lộ tối đa 50.

9. Giữ khoảng cách an toàn - Kinh nghiệm lái xe ô tô

Đúng là nếu bác giữ đúng khoảng cách an toàn với xe trước, sẽ sớm có kẻ "điền vào chỗ trống". Rất, rất bực.
Những hạng tài xế không hiểu quy tắc an toàn đó ở đâu cũng có. Không cần phải bức xúc làm gì. Trong thành phố tốc độ chậm thì bám đuôi nhau còn chấp nhận được. Chứ đường lộ hay cao tốc mà bám đuôi nhau lỡ xe trước gặp chướng ngại vật nó lách qua thì mình không phản ứng kịp chỉ có thể tông trực diện vào chướng ngại vật, hoặc nếu xe trước thắng quá gấp thì xảy ra việc tông dồn toa. Việc này xảy ra ở VN hoài, hoài không dứt.
Bám đuôi là một hành động vô trách nhiệm, ngu dốt và ẩu tả. Đừng xếp mình chung với thể loại tài xế này nha các bác. Tốc độ càng cao, càng phải giữ khoảng cách. 

10. Lốp xe và các trang bị cần có:

Theo kinh nghiệm của em, lốp đã quá 60 ngàn cây, chạy xấp xỉ 90-100kmh trên đường giữa trưa trời nắng chang chang trong suốt 3 tiếng trở lên thì khả năng bùm của nó là rất cao.

Trong các trường hợp khác thì không quá đáng ngại. Nhưng cần nhớ thêm: chở nặng thì bơm thêm hơi, chở nhẹ thì xì bớt ra. Đúng áp suất tiêu chuẩn thì xe đầm bám đường, căng quá thì vừa xóc vừa dễ trượt bánh, ít hơi quá thì tốn xăng mà dễ hư bánh. Đừng tin vào mấy thằng thợ vá bánh xe, chúng thường bơm quá áp suất lốp tiêu chuẩn. Trước khi bắt đầu hành trình dùng cái cục kiểm tra áp suất lốp (mua 100 ngàn ở An Dương Vương) để xì ra hay bơm thêm cho đúng chuẩn của xe. Bơm điện giá khoảng 1 triệu mua sẵn để bơm lốp khi cần thiết (bơm này lấy điện từ ổ điện 12v của xe)

Trên đây là những kinh nghiệm lái xe ô tô an toàn cho mọi người. Chúc mọi người lái xe thật sự hiệu quả và an toàn!